7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam chi gần 6 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu

Cập nhật: 15:48 | 11/08/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, nhập khẩu xăng dầu đạt 651 nghìn m3, tương đương 736 triệu USD, tăng 5% về lượng nhưng giảm 9% về giá trị so với tháng 6. Như vậy, nhập khẩu xăng dầu đã tăng nhẹ trở lại sau 3 tháng liên tiếp giảm.

Giảm thuế nhập khẩu có giúp giá xăng giảm mạnh?

Giá xăng dầu hôm nay 11/8/2022: Xăng trong nước có thể giảm 1.200 đồng/lít?

[Tin vui] Giá xăng trong nước tiếp tục giảm lần thứ 5: Giảm gần 1.000 đồng/lít

Tính chung 7 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại đạt 5,4 triệu m3, tương đương 5,7 tỷ USD, tăng 14,5% về lượng và tăng gần 2,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Sau khi lập đỉnh vào tháng 6, giá xăng dầu nhập khẩu trong tháng 7 đã giảm 14%, còn 1.130 USD/m3. Lũy kế 7 tháng, giá xăng dầu nhập khẩu khoảng 1.045 USD/m3, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021.

Dữ liệu hải quan cũng cho thấy Hàn Quốc là nhà cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, chiếm 40% tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam 7 tháng đầu năm. Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu của Hàn Quốc 2,1 triệu m3 xăng dầu, tương đương 2,3 tỷ USD, tăng gần 2 lần về lượng và tăng 3,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Giá xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đang ở mức 1.077 USD/m3, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2021.

Mới đây (8/8), Chính phủ đã thông qua việc sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10. Cụ thể, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) được điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10%.

Bộ Tài chính cho biết việc giảm thuế MFN không giúp hạ nhiệt giá xăng trong nước nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.

Lợi ích nào từ việc giảm thuế nhập khẩu?

Theo chia sẻ của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc giảm một nửa thuế suất nhập khẩu ưu đãi với xăng như Nghị định 51 có nhiều ý nghĩa về nguồn cung hơn là giúp giảm giá.

Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, việc giảm thuế MFN không giúp giảm giá xăng dầu trong nước. Bởi lẽ, hiện nay, các thị trường nhập khẩu xăng dầu thành phẩm chủ yếu của Việt Nam là Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan...), Hàn Quốc, Trung Quốc.

Đây là những thị trường Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã ký, với ngưỡng thuế suất nhập khẩu xăng là 8%.

"Mức này còn thấp hơn cả mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN sau khi giảm, do đó, việc giảm thuế MFN không có tác dụng giảm giá xăng dầu trong nước", ông Khanh nhận định.

Trên thực tế, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của Việt Nam là 475,26 triệu USD; trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%) và trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy, với tỷ trọng xăng nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện nay là thấp. Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng, việc giảm thuế MFN về 10% cũng là cơ hội mở ra cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường khác, trong bối cảnh vẫn lo ngại về nguồn cung.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Minh Phương

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm