Những sự thật về gọi vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm

Cập nhật: 06:55 | 29/03/2019 Theo dõi KTCK trên

Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc ESP Capital khẳng định, đội ngũ sáng lập là yếu tố quan trọng nhất để nhà đầu tư ra quyết định rót vốn cho một startup ở giai đoạn sớm. Giả sử mô hình doanh nghiệp sai, nếu đội ngũ có đủ nghị lực, họ vẫn sẽ lựa chọn con đường đúng. 

nhung su that ve goi von tu quy dau tu mao hiem Hiip - Nền tảng influencer marketing gọi vốn thành công từ quỹ Vnet Capital
nhung su that ve goi von tu quy dau tu mao hiem Startup công nghệ Singapore - Tookitak vừa gọi vốn thành công 7,5 triệu USD
nhung su that ve goi von tu quy dau tu mao hiem Trang thương mại điện tử Leflair nhận 7 triệu USD đầu tư
nhung su that ve goi von tu quy dau tu mao hiem Những thương vụ gọi vốn nổi bật của start-up Việt trong năm 2018

Nguyễn Khôi, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Wefit là một trong 30 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi từng được Forbes vinh danh năm 2018. Là nền tảng kết nối tiên phong trong lĩnh vực phong cách sống, Wefit được các quỹ đầu tư ESP Capital, VIIISA hay mới đây là CyberAgent Capital rót tiền và hậu thuẫn.

Có mặt tại chương trình "Gọi vốn 101: Những sự thật 'ngầm hiểu' của startup và nhà đầu tư" diễn ra vào ngày 21/3, CEO trẻ tuổi cho rằng bản chất của gọi vốn cũng giống như việc bán hàng. Mặt hàng mà nhà sáng lập bán là ước mơ và khả năng thực hiện nó. Để có thể "bán hàng" thành công, nhà sáng lập trước hết phải xác định tập nhà đầu tư phù hợp để có thể tiếp cận.

Anh chia sẻ, các startup trong lĩnh vực Internet giai đoạn đầu như Wefit sẽ tập trung tìm các nhà đầu tư thiên thần hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm. "Ở Việt Nam, gần như không có nhà đầu tư nào đưa cho bạn số tiền triệu USD cho một ý tưởng. Vì vậy, các startup ở giai đoạn đầu cần phải bẻ nhỏ các vòng gọi vốn. Nếu startup của bạn cần vài chục triệu USD, bạn hãy bắt đầu huy động từ những con số nhỏ như 10.000 USD, 50.000 USD… rồi tăng dần đến triệu USD", anh nói.

Kế hoạch tài chính cho startup

Ngoài các tiêu chí về ý tưởng, thị trường, sản phẩm, đội ngũ, nhà đầu tư sẽ yêu cầu đội ngũ sáng lập trình bày kế hoạch kinh doanh, thông thường trong thời gian hai năm.

Nhà sáng lập Wefit thẳng thắn chia sẻ: "Những tính toán của bạn chắc chắn sẽ sai. Tuy nhiên, sai số sẽ ngày càng thu hẹp khi bắt đầu làm ra sản phẩm. Thông thường, các sáng lập thường liệt kê nhiều loại chi phí và quá lạc quan về doanh thu".

Đối với các mô hình kinh doanh internet như Wefit, anh chia sẻ có hai chi phí lớn nhất là chi phí giá gốc và chi phí để có người dùng. CEO cho rằng startup cần vạch ra các loại chi phí càng chi tiết càng tốt, đặt ra nhiều trường hợp có thể xảy ra và bám lấy một trường hợp chính để lên kế hoạch tài chính và cập nhật liên tục.

nhung su that ve goi von tu quy dau tu mao hiem

Nguyễn Khôi - CEO Wefit (bên phải) và Giám đốc quỹ đầu tư ESP Capital (bên trái). Ảnh: UP

Đại diện cho quỹ đầu tư ESP Capital từng rót vốn vào Wefit, bà Lê Hoàng Uyên Vy – CEO của quỹ nhận định, điểm quan trọng đối với startup là dòng tiền. Bà nói: "Sống hay chết đối với một startup là vấn đề dòng tiền, vì vậy cần phải tính toán kỹ. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp B2B (Businesss to Business) bị hụt tiền và gặp khó vì thời gian thu tiền quá lâu và không kiểm soát được".

Không năm lần bảy lượt lên 'bờ xuống ruộng' thì không phải là khởi nghiệp

Nữ Giám đốc ESP Capital cũng chia sẻ về cách định giá startup ở giai đoạn sớm. Một phương pháp nhiều nhà đầu tư thường dùng để đầu tư vào giai đoạn sơ khởi là phương pháp bội số (Multiple)

Nhà đầu tư sẽ so sánh các chỉ số về khách hàng, doanh số, EBITDA,… của startup so với những công ty từng được đầu tư trong thị trường tương đồng. Dựa trên sự so sánh tương quan, họ sẽ tính toán ra bội số của các chỉ số khác nhau, góp phần ước tính giá trị công ty.

Để ra quyết định đầu tư, 4 yếu tố quan trọng nhất mà bà Uyên Vy đánh giá startup là: thị trường, sản phẩm, cách gọi vốn và đội ngũ.

Đánh giá thị trường, sản phẩm là điều mà các nhà đầu tư vẫn thường nhắc đến. Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh cấu trúc công ty là một yếu tố quan trọng. Không có nhà đầu tư mạo hiểm nào muốn lấy đi quá nhiều cổ phần của startup và họ rất e ngại rót vốn vào những startup mà nhà sáng lập nắm quá ít cổ phần.

Nữ giám đốc ESP chia sẻ: "Nhà đầu tư lo sợ một ngày đẹp trời, nhà sáng lập sẽ bỏ đi và lập một công ty mới. Trên thực tế, đó là mối quan hệ công bằng giữa nhà đầu tư và nhà sáng lập. Có nhiều startup mọi thứ rất tốt, tuy nhiên nhà sáng lập chỉ nắm 30%, còn lại thuộc về nhà đầu tư thiên thần – người bỏ vốn ra. Và chúng tôi không thể nào đầu tư được".

Cuối cùng là đội ngũ sáng lập. Nhà đầu tư sẽ đánh giá về năng lực thực thi, sự trung thực và quan trọng là đam mê, cam kết gắn bó với công ty của họ.

Bà nói: "Khởi nghiệp mà không 5-7 lần lên bờ xuống ruộng thì không phải là khởi nghiệp. Những lúc đó là những thời điểm dễ nản nhất, mà các bạn là người cầm tiền của nhà đầu tư. Vì thế nhà sáng lập phải thực sự có đam mê về lĩnh vực mình đang làm, chứ không phải đơn thuần làm bởi lĩnh vực này sinh lời tốt hay đang 'hot'."

Giám đốc ESP Capital khẳng định, đội ngũ là yếu tố quan trọng nhất đối với một startup. Giả sử mô hình doanh nghiệp sai, nếu đội ngũ có đủ nghị lực, họ sẽ lựa chọn được con đường đúng. Trên thực tế, có rất nhiều câu chuyện nhà sáng lập thành công mặc dù không chọn hướng đi đúng ngay từ đầu.

Tuệ An

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Tin cũ hơn
Xem thêm